top of page
Tìm kiếm
lightpathvn

Founder Haike Manning talks about Tet

Đã cập nhật: 25 thg 5, 2020


Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới và đang làm các công việc khác nhau tại Việt Nam, nhưng những gì họ làm góp phần vào việc giúp các cộng đồng hiểu nhau hơn và sống tốt hơn.

Điều thu hút của những chuyến đi bằng side car là người tham dự có thể quan sát và hòa nhập vào cuộc sống bản địa trong suốt chuyến hành trình. Ảnh: Bình Nguyên

Những chuyến đi ấm tình người

Hàng năm, Claude-M. Balland thường tổ chức các chuyến đi cho khách nghỉ trọ tại Victoria Hội An (Hội An, Quảng Nam) và bạn của ông đến nhiều nơi của Việt Nam, trong đó có các bản làng ở vùng núi và những nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống. Vị tổng quản lý của khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại thường gợi ý cho khách chọn những điểm đến xa xôi ở miền Trung và Tây nguyên bởi vì vẻ đẹp hoang sơ của cảnh vật và tính cách mộc mạc, chân chất của người dân địa phương.

Người đàn ông Pháp 67 tuổi này, thường được nhiều cư dân nơi phố cổ Hội An gọi bằng cái tên thân quen là “ông già Claude”, kể rằng những chuyến đi đó không chỉ nhằm mục đích cho khách khám phá phong cảnh hùng vĩ, những nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán của nơi đến mà còn là dịp để họ kết nối và chia sẻ với người dân địa phương.

Những chuyến đi bằng xe mô tô ba bánh (side car) đến những nơi xa như Lâm Đồng, Điện Biên Phủ, Phong Nha-Kẻ Bàng… đã được tổ chức cho khách từ năm 2003. Điều thu hút của những chuyến đi này là du khách có thể quan sát và hòa nhập vào cuộc sống bản địa trong suốt chuyến hành trình. Mỗi dịp dừng chân ở các điểm đến nơi đèo núi hoặc ven biển để nghỉ ngơi, nhóm khách lại có cơ hội trò chuyện với cư dân.

Những chuyến đi được tổ chức cho du khách có sự tham gia của ông già Claude thường có những phần quà cho người dân tại điểm đến. Đó là các loại bánh kẹo, thực phẩm, đồ dùng cá nhân hoặc chăn màn, quần áo cần thiết cho người dân vùng núi trong những ngày gió lạnh, và thực phẩm, đồ uống mà du khách dùng trong suốt chuyến hành trình. Sau mỗi chuyến đi, phần quà các vị khách nhận được luôn có ý nghĩa hơn phần họ đã trao đi, đó là sự hiếu khách, những câu chào niềm nở, nụ cười thân thiện của người dân địa phương, cơ hội để hiểu được những nét văn hóa và phong tục bản địa, được thưởng thức những món ăn thức uống độc đáo không phải nơi nào cũng có.

Những chiếc side car được ông Claude và nhân viên cất công đi nhiều nơi để tìm mua kể từ khi ông đến Việt Nam làm việc. Hiện đội xe này tại Victoria Hội An đã lên đến 12 chiếc, trong đó có bốn chiếc là của riêng ông. Những chiếc xe cổ đã được thợ máy tân trang để phù hợp với việc chở khách thích khám phá sông nước và tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam.

Claude-M.Balland đã nhận được rất nhiều từ Việt Nam, trong đó có sự hiếu khách của người dân nơi các bản làng. Ảnh: Bình Nguyên

Là người dân nước Pháp, nhưng ông Claude đã chọn Việt Nam để sinh sống và làm việc trong quãng thời gian gần một phần ba cuộc đời của ông. Gặp bạn bè, ông vui vẻ khoe đã mua nhà ở thành phố Đà Nẵng và lên kế hoạch trải qua những năm tháng tuổi già nơi thành phố biển miền Trung này. Một điều tâm huyết của ông là trên mảng đất đó, ông có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong ngành du lịch-khách sạn với các bạn trẻ yêu thích ngành nghề này. Trong 22 năm làm việc tại Việt Nam, ông đã trải qua 15 năm ở Hội An, và hai thành phố miền Trung là Đà Nẵng, Hội An đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ông. Claude nói ông đã nhận lại được rất nhiều từ nơi mà ông xem là “quê hương thứ hai của mình”. Ông đã thấu hiểu như thế nào là cho đi và nhận lại – give anh given, tự hào rằng không phải ai cũng có thể có được một công việc tốt, sự yêu mến và kính trọng của nhân viên, sự quan tâm và thân thiện của hàng xóm, sự hiếu khách của người dân nơi các bản làng Tây Nguyên…

Ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời, ông già Claude tự nhận bản thân mình hạnh phúc vì có công việc để cống hiến, có những niềm đam mê và mục tiêu để theo đuổi, và lẽ dĩ nhiên, có cả những hành trình side car để khám phá và kết nối. Hiện nay, ông và nhân viên đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức một tour side car cho du khách đến thành phố Huế và vùng biên giới Việt Nam-Lào sau thời điểm Tết Nguyên đán 2018.

Thêm nhịp cầu giáo dục nối Việt Nam với thế giới

Ông Haike Manning đã chọn TPHCM để bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời của mình. Ảnh: Bình Nguyên

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ là Đại sứ New Zealand tại Việt Nam vào năm 2016, với sự giúp đỡ của nhân viên và những người bạn, ông Haike Manning đã thực hiện thành công một đoạn video (video clip) ca nhạc, trong đó ông hát bài “Hãy yêu nhau đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tiếng Việt khá truyền cảm. “Đại sứ Haike Manning của chúng tôi sẽ sớm rời Việt Nam sau bốn năm. Nhân dịp này, Đại sứ đã chuẩn bị một món quà nhỏ để thể hiện tình yêu và lòng kính trọng của ông với Việt Nam, và với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, phần giới thiệu cho video clip của Đại sứ quán New Zealand viết.

Thế nhưng, điều bất ngờ không chỉ dừng lại ở đó, ông Manning đã quyết định ở lại Việt Nam để bắt đầu một chương sự nghiệp mới trong cuộc đời của mình. Ông Manning bộc bạch rằng ông yêu thích chủ đề, giai điệu yêu thương và thông điệp tích cực của bài hát “Hãy yêu nhau đi”, nhưng chính con người và đất nước này đã níu giữ ông ở lại. Ông chia sẻ rằng ông và vợ đã có nhiều cuộc trao đổi, bàn bạc trước khi đưa ra quyết định ở lại Việt Nam và chọn TPHCM để làm nơi bắt đầu một hành trình mới: thực hiện giấc mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

Trong những năm tháng công tác tại Việt Nam với vị trí của một viên chức ngoại giao, ông Manning đã tham gia nhiều sự kiện có liên quan giữa các tổ chức giáo dục và đào tạo của New Zealand và Việt Nam. Điều đó giúp ông thấu hiểu và biết cách làm thế nào để nắm bắt cơ hội và đáp ứng được nhu cầu lớn trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở Việt Nam.

Trong buổi gặp với Sài Gòn Tiếp Thị tại TPHCM vào một ngày tiết trời se lạnh cuối năm, ông Manning nói rằng ông đang lập công ty tư vấn LightPath (LightPath Consulting Group), mục tiêu hỗ trợ các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của New Zealand và các nước khác tìm được đối tác phù hợp ở Việt Nam. Từ đó, hướng đến mục tiêu phát triển các chương trình hợp tác về giáo dục-đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và giúp sinh viên Việt Nam tìm được môi trường học tập phù hợp với khả năng tại nước ngoài.

LightPath muốn góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu trong nước về giáo dục và trang bị cho những người trẻ Việt Nam những kỹ năng mềm cần thiết để họ có thể làm việc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới trong thời đại kỷ nguyên số. Ông nhận xét học sinh Việt Nam thường có thành tích rất cao trong một số môn và ngành học, ví dụ như toán học, nhưng lại thiếu những kỹ năng mềm rất cần thiết cho việc hội nhập vào một cộng đồng lao động mang tính quốc tế sau khi rời ghế nhà trường.

Theo LightPath, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng đối với những công ty cung cấp dịch vụ giáo dục trên thế giới. Không chỉ bởi thị trường này có dân số đông (hơn 95 triệu người), nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và nhu cầu rất lớn về giáo dục chất lượng quốc tế; mà còn bởi vì thị trường giáo dục Việt Nam đang cải tổ và thay đổi để đáp ứng với nhu cầu của thị trường.

Ông Manning tin vào khả năng của mình trong lĩnh vực này và hy vọng giáo dục-đào tạo sẽ là “cánh cửa” đưa nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam kết nối tốt hơn với thế giới, giúp tạo sự hiểu biết tốt hơn giữa các cộng đồng quốc tế và Việt Nam. Trong cuộc sống cũng vậy, khi mọi người đã hiểu nhau thì sự quý mến sẽ tăng lên, và LightPath được mong đợi sẽ tạo thêm một nhịp cầu trong lĩnh vực giáo dục để giúp xây dựng sự kết nối tốt hơn giữa Việt Nam và thế giới.

Ông Manning giải thích cái tên LightPath xuất phát từ ý tưởng lấy tên Lucian của con trai, được đặt theo ý nghĩa của từ “light” là “ánh sáng” theo tiếng La-tinh. Người sáng lập LightPath hy vọng công ty của ông sẽ giúp được nhiều bạn trẻ Việt Nam tiếp cận được các chương trình và môi trường giáo dục tốt, từ đó sẽ mang đến cho họ một tương lai tươi sáng. Ông cho biết thêm mặc dù Lucian mới ở Việt Nam được vài năm nhưng cậu bé 5 tuổi này có thể nói tiếng Việt bằng giọng của người Hà Nội khá tốt, cậu bé có một vài bạn là người dân tộc Mông.

Ông Manning tâm sự: thời gian trôi đi nhanh quá và đã một năm kể từ khi gia đình của ông chuyển đến sinh sống ở TPHCM sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ của một Đại sứ New Zealand tại Việt Nam. Ông cho biết cả gia đình của mình sẽ ở lại thành phố để đón Tết Mậu Tuất, tận hưởng không khí yên bình nơi trung tâm kinh tế sôi động nhất nước trong dịp rất đặc biệt này. “Đây là lần thứ năm hay thứ sáu mà gia đình chúng tôi đón tết ở Việt Nam”.


122 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Commenti


bottom of page